Nguyên lý Thiên Nhân Hiệp Nhất Giáo_lý_Cao_Đài

Từ "Thiên địa vạn vật đồng nhất thể" đến "Thiên Nhân Hiệp Nhất"

Vũ trụ quan Cao Đài là quan niệm "Nhất thể nhất nguyên" về vũ trụ. Nhất thể là khí Hư Vô, nhất nguyên là Thái Cực. Thế nên nơi vạn vật đều có tiềm tàng bản chất ban đầu của trời đất (Khí tiên thiên) và động năng sinh thành của vũ trụ (Thái Cực). Đó là nguyên lý "Thiên địa vạn vật đồng nhất thể" trong giáo lý Cao Đài, là cơ sở của cứu cánh "Thiên nhân hiệp nhất".

Nếu cứ để cho muôn loài vạn vật tiến hóa tự nhiên trong nguyên lý nhất thể nêu trên thì đến một thời điểm xa xôi nào đó, vạn vật cũng phải quay đầu về nguồn gốc là ngôi Một, ngôi Thái Cực. Nhưng, trong Hư Vô nhất thể còn có tình thương vô biên của Thượng đế:

"Tình Tạo Hóa háo sanh muôn vật,Máy Kiền Khôn chất ngất chở cheThu qua Đông đến Xuân Hè,Vận hành thời tiết tư bề dưỡng nuôi."(8)

Và:

"Thầy mong con biết Thầy hiểu Đạo,Cho thế gian cải tạo thanh bình;Lòng Thầy thương cả chúng sanhTrong tình Tạo Hóa trong tình thiên nhiên''."(9)

Thế nên chữ Thiên trong câu Thiên nhân hiệp nhất phải hiểu theo nghĩa rất sinh động là Đức "Háo sanh" của Thượng đế, là "Thiên ý cứu độ chúng sanh". Ngài dạy:

"Đạo là con đường duy nhất cho vạn linh sanh chúng từ Thầy ban phát đến thế gian và từ thế gian các con trở lại cùng Thầy".

"Thầy là Hư Vô chi khí thì Đạo cũng đồng nghĩa đó thôi. Nên chi trong thời kỳ hạ nguơn, chính mình Thầy dùng Khí Hư Vô trực tiếp hữu hình đến thế gian để dẫn dắt thâu hồi những điểm linh quang của Thầy đã cho xuống thế gian trở về khối Đại Linh Quang".(10)

Nhưng đến đây chúng ta chỉ mới thấy một chiều của quy luật ấy. "Thiên nhân hiệp nhất" còn phải hiểu là "Sứ mạng Kỳ Ba" triển khai ngay tại thế gian để thực hiện đức hiếu sinh của Thượng đế và tình thương giữa con người và con người.

"Thiên nhân hiệp nhất" là sứ mạng Kỳ Ba

Có nhận thức "Thiên nhân hiệp nhất" là sứ mạng của người giác ngộ, mới thực hiện được chiều thứ hai của động năng hiệp nhất. Bởi vì chữ "Nhân" đúng nghĩa là "Con người tích cực" là "Nhân năng hoằng đạo" là quyền lực của một "Tiểu vũ trụ".

Trong giáo lý Cao Đài, Đức Chí Tôn viết: "Các con hay nói chung là nhân loại, những hột giống linh căn được gieo vào vũ trụ, được ban phát quyền Tạo Hóa để lập thành cuộc ngự trị cõi thế gian, mà các con gọi là đời, nguyên nhân là Lý, là Đại Đạo, là Thầy, là Cha chung của vạn loại... Các con đã sinh trong Đại Đạo hãy noi theo Đại Đạo mà thành về cõi Thượng thiên vô cực"(11)

Hiệp nhất tại tâm

Thánh giáo Đức Chí Tôn:

"Tâm con là chỗ chí linh,Là nơi hiệp nhất nhân sinh cùng Thầy''"(12)

Hay:

"Con có Thánh Tâm sẽ có Thầy,Thầy là Cha cả khắp Đông Tây;Đông Tây dù biết hay không biếtThì đức háo sanh vẫn thế này"(13)

Trước khi "Khai Minh Đại Đạo" Ngài đã nhắc đến Thánh Tâm vào ngày 20.4 Bính Dần (31.5.1926):

"Thánh Tâm dầu phải chịu khổ trần đi nữa, thì chất nó cũng vẫn còn. Các con khác hơn kẻ phàm là duy tại bấy nhiêu đó mà thôi."(14)

Ngài chấp nhận lâm phàm nhưng chỉ chứng vào nơi trong sạch nhất của con người. "Thầy những mong ở một cõi lòng trong sạch nhứt nơi trần gian, Thầy chứng vào đó để cứu rỗi con cái của thầy trong kỳ mạt kiếp..."(15)

Thiên Nhân Hiệp Nhất qua sử đạo Cao Đài

  • Biểu hiện Thiên Nhân Hiệp Nhất bằng "Thiên Nhãn"
    Thánh Tượng Thiên Nhãn là tượng thờ tối cao của Đạo Cao Đài. Thiên Nhãn tượng trưng cho Chơn Thần của Thượng đế. Ngài nói: "Thần cư tại nhãn". Mà Thần của người lại do Trời phú bẩm. Vậy thờ Thiên Nhãn là thờ Thượng đế Chí Tôn của vũ trụ mà cũng chính là thờ Thượng đế nội tại trong mỗi con người nữa.
    Mỗi giờ cúng kính, người tín hữu Cao Đài gom Thần nhìn ngay Thiên Nhãn để tạo điều kiện Thiên Nhân hiệp nhứt. Con người là linh quang từ Trời ra đi, nay hướng về Thiên Nhãn để tìm đường trở lại cùng Trời.
  • "Thiên Nhân Hiệp Nhất" nơi Thánh Đường
    Thánh Đường là biểu hiện thu nhỏ của vũ trụ, trong đó Đức Thượng đế ngự trị, vận dụng Đạo mầu thúc đẩy chúng sanh tiến hóa dần dần đến mức chí thiện chí mỹ để hiệp một cùng Ngài.
    Cấu trúc "Tam đài" của Thánh Đường còn thể hiện thế "Thiên nhân hiệp nhứt" của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Mở Đạo kỳ này Đức Chí Tôn dùng quyền năng của Ngài và tất cả các Đấng Thiêng Liêng tức phần "Thiên" thuộc Bát Quái Đài, kết hợp với Hội Thánh tức Cửu Trùng Đài là phần "Nhân" để phổ truyền giáo lý. Nhưng muốn phối hợp hai năng lực này phải có một cơ quan chuyển tiếp. Đó là Hiệp Thiên Đài có khả năng tiếp nhận quyền pháp từ Bát Quái Đài để truyền đạt đến Cửu Trùng Đài và xét trình thỉnh nguyện của Hội Thánh dâng lên Bát Quái Đài. Nhờ đó, cuộc vận hành cơ Đạo trở nên "Thiên nhân hiệp nhất" mà Thiên nhân hiệp nhất cũng chính là mục tiêu tu chứng của người tín đồ Cao Đài để độ mình và độ người.
    Vậy Thánh Đường với cấu trúc Tam Đài cũng là một nét đậm của "Thiên nhân hiệp nhất".
  • "Thiên nhân hiệp nhất" qua cách lập Pháp Chánh Truyền và Tân luật
    Đạo luật Cao Đài có hai bộ: Pháp Chánh Truyền và Tân luật. Pháp Chánh Truyền quy định việc tổ chức Hội Thánh do chính Đức Chí Tôn ban truyền ngay sau ngày Khai Minh Đại Đạo (15 Bính Dần - 1926). Tân luật bao gồm Đạo pháp – Thế luật và các quy định về Tịnh thất, nói chung là các luật liên quan đến sinh hoạt của chư chức sắc và tín đồ trong nội bộ tôn giáo và ngoài xã hội. Tân luật do các vị tông đồ của Đức Chí Tôn soạn ra và dâng lên Ơn Trên một cách vô cùng tôn nghiêm để được chuẩn y.
    Thế là bộ luật Cao Đài được hoàn thành do sự phối hợp Thiên Ý và Thánh Tâm của chư vị Tiền Khai Đại Đạo. Nền tảng của Hội Thánh và sự sống đạo của tín đồ đã được "Thiên nhân hiệp nhất" lập thành vậy.